Mi nhon là gì?

Mi nhon là nhỏ gọn, xinh xắn.

Mi nhon có nguồn gốc từ tiếng Pháp là mignon.

mignon trong tiếng pháp có nghĩa như cute trong tiếng Anh là dễ thương trong tiếng Việt.

Về từ gốc Pháp

Hôm rồi mấy ông bạn già ngồi lại nói chuyện ngày xưa, lan man một hồi bàn đến các từ gốc tiếng Pháp đã Việt hóa như xà phòng, bê-tông, cà-phê… Nhiều từ giờ chỉ còn biết đọc theo cách phiên âm sang tiếng Việt chứ không rõ từ nguyên gốc tiếng Pháp của chúng như thế nào. Xin cho biết nguyên gốc tiếng Pháp của các từ: lê-ghim, cà-vẹt, mi-nhon, ba-rem… (Hoàng Vinh, Hải Châu, Đà Nẵng).

Trong hơn 80 năm đất nước đặt dưới sự cai trị của người Pháp, tiếng Pháp đã đi vào đời sống người dân Việt Nam và để lại trong tiếng Việt nhiều từ vay mượn từ tiếng Pháp (trước đó là tiếng Hán) và đã dần “thuần hóa” thành tiếng Việt.

Cái cà-vẹt (tức giấy chủ quyền, như cà-vẹt xe máy chẳng hạn) có gốc tiếng Pháp Carte vert, nghĩa là thẻ xanh. Ba-rem (bảng tính sẵn) có gốc là barème. Mi-nhon (nhỏ nhắn, xinh xắn) có gốc là mignon. Lê-ghim chỉ các loại rau, một số người phát âm sai thành “la-ghim”, tiếng Pháp là légume. Đờ-xe có nghĩa là đồ tráng miệng, gốc tiếng Pháp dessert, một số người nói thành “lau xe” (!). Bắn ra-phanh (bắn liên tục) tiếng Pháp là par rafales, có người nói sai thành “la-phanh”…

Nhiều từ khiến ta cứ ngờ ngợ không biết là gốc Pháp hay thuần Việt, nhất là khi viết không còn dấu gạch nối thể hiện cách ghi phiên âm. Ví dụ, đăng ten nghĩa là (thêu) ren, gốc là dentelle; ốp la là món trứng chiên để nguyên lòng đỏ, tiếng Pháp là œuf plat…

Chạy xe máy, khi trả về số 0 người ta nói cho về số mo, đây là phiên âm từ mort tiếng Pháp nghĩa là chết. Trả về số mo, tức số chết, xe không chạy được. Một thời, người miền Nam gọi bia là la-ve, đây là cách đọc bình dân rất… Nam Bộ của từ tiếng Pháp la bière.

Trong tiếng Việt có ba từ Việt gốc Pháp có âm đọc gần như nhau: “bôm” “bơm” và “bom”, rất dễ nhầm lẫn. Bôm (pomme) là danh từ chỉ quả táo tây. Bơm (pomper) là động từ chỉ động tác đem không khí, hay một chất lỏng vào một chỗ nào đó như bơm bánh xe, bơm nước từ giếng lên thùng chứa nước, bơm mỡ bò vào bạt đạn xe. Vật dùng để bơm, gọi là cái bơm, ống bơm hoặc máy bơm (pompe). Bom (bombe) là danh từ chỉ một loại vũ khí gây nổ có tác dụng phá hoại và giết chóc. Ném bom, dội bom là động từ chỉ việc dùng phi cơ thả bom từ trên không xuống.

Có người cho rằng từ phở, một món ăn nức tiếng xứ Bắc có nguồn gốc từ… tiếng Pháp. Một người từng là thuyền trưởng thương thuyền làm việc cho Pháp kể rằng trước năm 1954, ông này chở tiếp liệu cho quân đội Pháp. Thuyền phó và nhiều thủy thủ trên tàu là dân Pháp thứ thiệt. Khi tàu cập bến ở Hải Phòng, vào mùa lạnh, họ thường nấu một món súp (soupe – tiếng Pháp, nghĩa là cháo) thịt bò và sau đó họ để thêm một loại mì sợi (loại giống như spaghetti, một loại mì que) đã luộc chín vào súp trước khi ăn. Trời rét, muốn giữ cho món súp được nóng, họ đặt nồi súp nằm luôn trên lò lửa cho đến hết bữa ăn. Họ gọi món đó là “bœuf au feu”, nghĩa là “bò (nấu) trên lửa”. Từ feu đọc là “phơ”, và phở của Việt Nam ra đời từ đó (!).

Tuy đó chỉ là một trong những câu chuyện dân gian giải thích một cách thú vị về những từ vay mượn tiếng nước ngoài nhưng qua đó có thể thấy một hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi đó là “giao thoa ngôn ngữ”. Một ngôn ngữ muốn tồn tại thì phải luôn vận động, phát triển; không thể đóng kín mà phải tiếp xúc, giao thoa; quá trình này sẽ dẫn đến việc vay mượn. Nếu không vận động trong sự giao thoa ấy thì ngôn ngữ, với tư cách là sinh ngữ – ngôn ngữ sống, sẽ biến thành tử ngữ – ngôn ngữ chết.

Với tiếng Pháp, có rất nhiều từ – qua quá trình giao thoa, vay mượn – đã nghiễm nhiên trở thành tiếng Việt và nhiều khi người ta quên hẳn gốc tiếng Pháp của chúng.

Tác giả: ĐNCT

https://baodanang.vn/channel/6059/201608/ve-tu-goc-phap-2508035/index.htm